Sân chơi ngày hè cho trẻ là vấn đề không mới, nhưng vẫn làm bố mẹ “đau đầu” tìm giải pháp mỗi độ hè sang. Phụ huynh phải tìm chỗ học, chỗ chơi ở đâu để phù hợp với nhu cầu và quản lý được con em mình hay làm thế nào để con trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn?
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT.
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT
Đảm bảo an toàn cho học sinh là trách nhiệm của toàn xã hội
PV: Thưa ông, hiện nay Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức hoạt động hè cho học sinh như thế nào?
Ông Ngũ Duy Anh: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1921/CT-BGDĐT ngày 31/5/2017 về việc tăng cường các hoạt động phối hợp quản lý, giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên trong dịp nghỉ hè, trong đó nhấn mạnh cần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em, học sinh trong dịp hè, phòng tránh tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn cháy nổ.
Theo Chỉ thị, các Sở GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu, chỉ đạo các cấp chính quyền, đặc biệt là các đoàn thể ở địa phương tổ chức tiếp nhận học sinh, phối hợp với các nhà trường tổ chức các hoạt động hè vui tươi bổ ích như: thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống, dạy bơi và các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, hoạt động Đoàn, Đội,… cho học sinh tại nơi cư trú và nhà trường.
Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức đoàn, hội để tổ chức các hoạt động hè cho học sinh như học sinh nhận giấy xác nhận sinh hoạt hè ở trường, về sinh hoạt hè tại khu dân cư, xin xác nhận và nộp lại cho nhà trường vào đầu năm học mới. Khu dân cư tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi theo từng môn học và xác nhận về việc tham gia của các em.
Bộ cũng yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc khung kế hoạch thời gian năm học, tuyệt đối không tập trung học sinh để dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình trước ngày 01/8 hàng năm.
PV: Trước đây, vào dịp nghỉ hè, việc quản lý học sinh thường được các trường học bàn giao về địa phương theo kiểu “sinh hoạt hè”, đến khi vào năm học mới nhận lại tờ giấy nhận xét của Đoàn cơ sở mà không hề biết thực sự các em đã học gì, chơi gì trong suốt mấy tháng hè. Được biết, hiện nay theo chỉ đạo của ngành giáo dục và đào tạo, các trường, địa phương và phụ huynh đã có sự phối hợp tốt hơn nhằm tạo cho các em những sân chơi bổ ích. Ông có thể nói rõ hơn về chỉ đạo này?
Ông Ngũ Duy Anh: Trước hết, tôi phải khẳng định, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh không chỉ của ngành Giáo dục mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Nếu như trong năm học, trách nhiệm chính đảm bảo an toàn cho trẻ thuộc về nhà trường, thì bắt đầu từ thời điểm kết thúc năm học, nhà trường đã bàn giao trách nhiệm quản lý, đảm bảo an toàn cho các em lại cho gia đình và chính quyền địa phương, xã hội. Vì thế, trước hết, các bậc phụ huynh cần chủ động có kế hoạch hè cho con mình, lãnh đạo địa phương, xã hội, các tổ chức đoàn thể cũng cần có nhiều quan tâm đầu tư chăm sóc tạo các sân chơi bổ ích, lý thú trong dịp hè cho các cháu.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải cử giáo viên tham gia các hoạt động phối hợp, quản lý, đánh giá hiệu quả việc “sinh hoạt hè” của học sinh để đảm bảo hoạt động sinh hoạt hè hiệu quả, thực chất và đảm bảo an toàn.
Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành Giáo dục các địa phương phải tham mưu cho Ủy ban nhân dân ban hành Kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành tham gia công tác quản lý, giáo dục học sinh trong dịp nghỉ hè.
Trong đó đã chủ động phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội ở địa phương và phụ huynh học sinh để tổ chức các sân chơi bổ ích cho học sinh trong dịp nghỉ hè như tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh. Bộ cũng đã phối hợp với Hội đồng Đội trung ương chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam tổ chức mô hình điểm, nhiều khóa huấn luyện kỹ năng, nhằm tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức kỷ luật cho thiếu nhi, từng bước giúp các em rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, ứng phó với các tình huống nguy hiểm trong cuộc sống.
Trang bị tốt nhất kỹ năng chống đuối nước cho trẻ
PV: Những năm gần đây, đuối nước trở thành nỗi lo lớn nhất của các bậc cha mẹ mỗi dịp hè. Trên thực tế cũng đã có nhiều sự việc đau lòng xảy ra. Riêng với vấn đề phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè, ngành Giáo dục có những giải pháp như thế nào?
Ông Ngũ Duy Anh: Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường và cơ sở giáo dục tăng cường triển khai nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước đối với học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với Ngành TDTT triển khai tổ chức các lớp tập huấn toàn quốc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy bơi nòng cốt về phương pháp dạy bơi, cứu đuối; kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước để triển khai tại các địa phương và nhà trường.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc dạy học bơi cũng như sự quan tâm của Bộ về đảm bảo an toàn, chống đuối nước cho trẻ. Tôi hy vọng các cơ quan, ban ngành và địa phương sẽ nghiêm túc thực hiện cũng như phối hợp chặt chẽ để trang bị tốt nhất kỹ năng chống đuối nước cho trẻ.
PV: Nhiều địa phương cũng đã thực hiện thí điểm dạy bơi cho học sinh và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phổ cập bơi cho học sinh ở một số nơi vẫn còn khó khăn, đặc biệt là về điều kiện thực hiện. Vậy, hướng chỉ đạo tiếp theo của Bộ để gỡ khó cho các địa phương là gì, thưa ông?
Ông Ngũ Duy Anh: Bơi lội đã được đưa vào là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất phổ thông, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy môn học này thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, không những chỉ ở các trường vùng khó khăn như nông thôn, vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo mà ngay cả tại các trường của các tỉnh, thành thuận lợi cũng gặp khó do thiếu quỹ đất để xây dựng, lắp đặt bể bơi.
Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học giáo dục thể chất đang được đề xuất dự kiến thời lượng 70 tiết/kỳ học 35 tuần (trung bình 02 tiết/tuần) cho cả 3 cấp học: Tiểu học, THCS, THPT và đang tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện chương trình tổng thể cho giáo dục phổ thông.
Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, Bộ sẽ tính toán, cân nhắc việc đưa môn bơi là một nội dung tự chọn vào trong chương trình giáo dục thể chất cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hài hòa, cân đối, thuận lợi để từng địa phương, nhà trường chủ động thực hiện, tránh hình thức, không có hiệu quả. Các tính toán về việc đầu tư cơ sở vật chất cho môn học này cũng sẽ được Bộ đưa ra để cùng thống nhất với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Xã hội hóa nguồn lực chăm lo cho trẻ em
PV: Trong vài năm trở lại đây, việc cho con em trải nghiệm cuộc sống qua các chương trình đào tạo kỹ năng đang trở thành lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh, đặc biệt là khi mùa hè đến. Nắm được tâm lý này, nhiều trung tâm, đơn vị đã mở các lớp kỹ năng sống, học kỳ quân đội với những lời quảng cáo hấp dẫn, nhất là ở các thành phố lớn. Điều này khiến cho phụ huynh lúng túng, không biết nên chọn các trung tâm ở ngoài hay chọn các trung tâm do nhà trường tổ chức. Ông có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh?
Ông Ngũ Duy Anh: Phụ huynh học sinh cần kiểm tra kỹ các thông tin về nội dung, chương trình, giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất,… trước khi quyết định cho con theo học một khóa đào tạo Kỹ năng sống. Các khóa học này không nhất thiết phải do nhà trường đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, phụ huynh cần cân nhắc lựa chọn thật kỹ, trong đó lưu ý đầu tiên là cần chọn những trung tâm đã được cấp phép, có uy tín chứng minh qua thực tế trước đó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Theo đó, thẩm quyền cấp phép và quản lý hoạt động thuộc về cơ quan giáo dục ở địa phương cụ thể là các Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Giáo dục và Đào tạo.
PV: Học sinh cần một mùa hè thực sự bổ ích và an toàn, theo ông, phải làm sao để các em có được điều đó?
Ông Ngũ Duy Anh: Để học sinh có một mùa hè thực sự bổ ích và an toàn thì cần có sự chung tay phối hợp giữa nhà trường với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tạo những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em. Bên cạnh đó, sự tham gia, đồng hành của các bậc phu huynh đóng vai trò rất quan trọng.
Trong điều kiện kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thiếu nhi từ nguồn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn thì việc xã hội hóa nguồn lực để chăm lo cho trẻ em là rất cần thiết. Các doanh nghiệp, trung tâm, cơ quan tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi đáng được hoan nghênh.
Điều quan trọng, các hoạt động đó phải lành mạnh, an toàn và nên lấy tinh thần hướng đến chăm sóc, phục vụ các em là chủ đạo, giảm tối đa mục đích lợi nhuận. Với trẻ em, để vui chơi nhiều khi chỉ cần những điều kiện rất đơn giản như: một khoảng sân an toàn, một quả bóng hay con diều giấy… Cái chính là sự quan tâm và dành thời gian hướng dẫn của người lớn để các em có nhiều cơ hội vui chơi lành mạnh, an toàn hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Donedu sưu tầm và có chỉnh sửa bổ sung cho nội dung bài viết